Mẹo sống sót trên thị trường (STM): Những sai lầm tâm lý phổ biến mà mọi nhà đầu tư đều mắc phải
Chào mừng các bạn đến với bài viết thứ 2 trong chuỗi "Mẹo sống sót trên thị trường" (STM)!
Ở bài viết trước, "Chiến thắng nỗi sợ và lòng tham: Bí mật của nhà đầu tư thành công", chúng mình đã bàn về cách kiểm soát cảm xúc và vượt qua các cú sốc tâm lý trên thị trường đầy biến động. Nếu bạn chưa đọc, đừng quên xem lại bài viết tại đây để hiểu thêm về những khái niệm như FOMO, FUD và cách giữ cái đầu lạnh khi thị trường “quay cuồng”.
Bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình với bài viết hôm nay: Những sai lầm tâm lý phổ biến mà hầu hết nhà đầu tư đều mắc phải và quan trọng hơn là cách chúng ta có thể né tránh những cái "bẫy" đó.
Tâm lý trong đầu tư: Không chỉ có lý trí!
Khi tham gia thị trường, có phải mọi quyết định chúng ta đưa ra đều dựa trên lý trí và phân tích kỹ lưỡng không?
Thực tế là KHÔNG!
Tâm lý chi phối phần lớn những gì chúng ta làm trên thị trường, và nó thường là nguyên nhân chính khiến nhiều người thất bại.
Vậy làm thế nào để nhận ra và tránh những sai lầm này? Cùng mình tìm hiểu nhé!
II. Những sai lầm tâm lý phổ biến trong đầu tư
🚀 FOMO (Fear of Missing Out) – Sợ bỏ lỡ cơ hội: Sai lầm "kinh điển"
Đây rồi, FOMO – top 1 sai lầm mà bất kỳ ai bước chân vào thị trường cũng từng dính phải.
Tưởng tượng thế này: giá cổ phiếu bỗng dưng tăng vọt như tên lửa 🚀, tin tức tốt thì ngập tràn như đổ thêm dầu vào lửa🔥 , còn trời hôm đó thì xanh ngắt 🌤, đẹp không tưởng!
Chúng ta bỗng thấy hôm nay mình có phải "múc" ngay cho nóng, bỏ lỡ cơ hội đổi đời thì đúng là phí của giời.
Kết quả thì sao? "Thành bại tại một cú Enter". Chúng ta thường "múc" ngay khi giá đã ở đỉnh đồi cao gió lộng 🗻🍃, và nếu may mắn lắm thì có chút lời. Còn ngược lại, thị trường trở mặt và chúng ta lại “đi bụi” hay “ra đảo” . Thường thì, xui nhiều hơn hên!
😱 FUD (Fear, Uncertainty, Doubt) – Lo sợ, nghi ngờ và… hoảng loạn
Đây chính là phiên bản ngược của FOMO. FUD thường đến với chúng ta sau những cú FOMO hay một thời gian dài “gồng lỗ”. Thị trường có vẻ đã yếu, tin tức xấu xuất hiện, và đột nhiên mọi thứ như muốn đổ sập.
Chúng ta bắt đầu tưởng tượng ra hàng loạt kịch bản thảm họa 🌪 – nào là khủng hoảng tài chính 📉, Margin call mất sạch vốn.
Và khi thị trường xuất hiện “Múa bên trăng 🌚”, FUD lên đỉnh điểm, chúng ta hoảng loạn bán đổ, bán tháo không kịp suy nghĩ về viễn cảnh xa hơn.
Nhưng điều đáng tiếc là, có khi chỉ vài ngày sau thị trường khởi sắc trở lại, và lúc này chúng ta chỉ biết tiếc nuối vì đã bán ngay đáy. Từ đây, tâm lý chán nản xuất hiện, nhiều người thậm chí từ bỏ thị trường vì mất niềm tin vào bản thân.
Rồi khi thị trường tăng mạnh trở lại chúng ta lại lần nữa lao vào vòng xoáy FOMO và FUD của thị trường.
"Thị trường là nơi chuyển tiền từ những người thiếu kiên nhẫn sang những người kiên nhẫn." – Warren Buffett
🎲Tâm lý "một ăn cả, hai ngã về 0" – Cú cược lớn, rủi ro lớn
Chắc chắn chúng ta đã từng nghĩ: "Nếu không chơi lớn thì làm sao thắng đậm?" Và với tâm lý "một ăn cả, hai ngã về 0", chúng ta quyết định dốc hết vốn liếng, thậm chí full margin để "múc". Lúc này, chúng ta tin rằng thị trường sẽ chỉ có một hướng: lên mãi mãi 🌈.
Nhưng đời không như mơ! Chỉ cần giá cổ phiếu giảm nhẹ 20-30%, công ty chứng khoán sẽ ép bán mà không kịp trở tay, và tài khoản lúc đáy "bốc hơi còn nhành hơn cả nước". Nhiều nhà đầu tư đã "toang" 💥 chỉ vì quá mạo hiểm khi sử dụng đòn bẩy quá lớn.
🔍 Confirmation Bias – Tìm bằng chứng ủng hộ: Tự lừa mình
Đây là lỗi mà nhiều người trong chúng ta thường xuyên mắc phải. Khi đã mua một cổ phiếu, chúng ta có xu hướng chỉ tìm kiếm những thông tin tích cực để "xác nhận" quyết định của mình. "Kết quả kinh doanh tốt, sắp có dự án mới..." – tất cả đều nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng rủi ro thì lại dễ bị phớt lờ.
Chúng ta chỉ đọc những tin tốt về cổ phiếu mà mình nắm giữ, bỏ qua mọi cảnh báo rủi ro ⚠️. Và khi giá giảm mạnh, chúng ta mới nhận ra mình đã tự lừa dối bản thân.
👥 Hiệu ứng đám đông – Cả làng mua, mình cũng mua
Hiệu ứng này đơn giản lắm: "Ai cũng làm, mình không làm thì kỳ". Chúng ta thấy dân tình bàn tán, đội nhóm, room Zalo, room VIP, hô hào 📣 về một mã cổ phiếu nào đó, nghe đồn "sắp thành bom tấn💣 ". Và thế là, không cần suy nghĩ thêm gì nữa, bạn cũng nhanh tay bắt “trend” lao vào hùa theo, mong rằng sóng này sẽ kéo mình lên đỉnh cao danh vọng.
Nhưng đời không như mơ! Khi đám đông đổ xô vào một tài sản, thường là khi nó đang hình thành… bong bóng. Và khi bong bóng vỡ, kẻ cuối cùng là người ôm boom, những quả boom đó có thể giúp bạn kiểm vài chục % nhưng cũng khiến tài khoản chúng ta “xa bờ” đến vài năm không biết bao giờ về như DIG L14 BII FLC .
⚓ "Anchoring" – Neo giữ giá cũ: "Không bán, thì chưa lỗ!"
Đây là lỗi tâm lý phổ biến mà nhiều người mắc phải – anchoring. Bạn giữ khư khư cái giá mà mình đã mua vào và không chịu bán khi giá giảm 📉, hy vọng rằng "Chắc nó sẽ quay lại mà, mình chỉ lỗ khi bán thôi! chỉ cần mình kiên nhẫn, thôi thì đầu tư dài hạn" 🤞.
Nhưng thật tiếc, đời không giống truyện cổ tích. Khi doanh nghiệp gặp vấn đề nghiêm trọng, giá cổ phiếu giảm sâu thì chuyện "quay về" như chúng ta mong đợi có khi chỉ là mơ tưởng. Và kết cục là bạn ngồi ôm một mớ cổ phiếu không biết khi nào thành giấy vụn.
III. Tại sao những sai lầm tâm lý này lại phổ biến?
Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao những sai lầm này lại cứ xuất hiện thường xuyên không? Đơn giản là vì bản chất con người bị chi phối bởi cảm xúc, đặc biệt khi đối diện với lợi nhuận hoặc thua lỗ. Hơn nữa, tác động từ môi trường xung quanh như truyền thông, bạn bè, hay các hội nhóm đầu tư cũng dễ dàng khuếch đại cảm xúc của chúng ta.
"Bản chất con người không bao giờ thay đổi, chỉ có cách chúng ta biểu hiện nó là khác đi." – Dale Carnegie
IV. Làm sao để tránh các sai lầm tâm lý trong đầu tư?
Xác định chiến lược từ đầu
Trước khi đầu tư, chúng ta cần có kế hoạch rõ ràng: mục tiêu lợi nhuận, thời gian nắm giữ, và mức lỗ có thể chấp nhận. Khi có kế hoạch rồi, chúng ta sẽ không dễ bị hoảng loạn khi thị trường biến động.Kỷ luật và kiên định
Dù thị trường có thay đổi ra sao, chúng ta cần kiên trì bám sát chiến lược đã định, tránh bị cuốn theo biến động ngắn hạn. Kỷ luật là chìa khóa để vượt qua thị trường "sóng gió".Dựa vào dữ liệu, không phải cảm xúc
Thay vì nghe theo lời đồn hay hùa theo đám đông, hãy dựa vào phân tích thực tế. Việc ra quyết định dựa trên dữ liệu sẽ giúp mình tránh những sai lầm do cảm xúc.Sử dụng stop-loss để bảo vệ tài sản
Tuân thủ stop-loss để cắt lỗ khi giá giảm đến mức đã định giúp bảo vệ vốn và lợi nhuận. Cắt deal này rồi chờ đợi làm lại cơ hội khác, đừng đợi tới lúc "hết cứu" mới hành động.Ví dụ: Với những cổ phiếu trading cắt lỗ ở mức 3-5% giá mua để tránh những cú sốc lớn. Còn với cổ phiếu trung hạn hay dài hạn, mức cắt lỗ có thể 10-15% để tránh biến động ngắn hạn và cũng không quá rủi ro cho vốn.
Đừng ra quyết định khi cảm xúc mạnh
Khi cảm xúc đang chi phối (phấn khích hay lo sợ), đừng vội hành động. Chúng ta nên tạm dừng, xem lại chiến lược và dữ liệu trước khi đưa ra quyết định, tránh mắc sai lầm chỉ vì cảm xúc nhất thời.
"Thị trường chứng khoán là nơi mà sự kiên nhẫn được trả công, còn cảm xúc thì bị trừng phạt." – Jim Cramer
V. Kết luận
Tâm lý trong đầu tư đóng vai trò không kém phần quan trọng so với các yếu tố kỹ thuật và cơ bản. Nhận thức rõ và quản lý tốt cảm xúc của mình sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm đắt giá và trở thành một nhà đầu tư thông minh hơn.
Đầu tư không chỉ là chuyện của số liệu và lợi nhuận, mà còn là một hành trình kiểm soát cảm xúc và bản lĩnh. Những cú "lên voi xuống chó" của thị trường có thể khiến chúng ta dễ mắc sai lầm, nhưng nếu có chiến lược rõ ràng, kỷ luật và tỉnh táo, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được.
Hãy nhớ, Kiên định với chiến lược, giữ vững tâm lý và không để cảm xúc chi phối – đó chính là cách bạn "sống sót" và thậm chí thành công trong thị trường đầy biến động này.
Hy vọng bài viết này đã giúp "nạp năng lượng" cho suy nghĩ của bạn! Đừng ngại chia sẻ suy nghĩ hay phản hồi, mình luôn mong nhận được góc nhìn từ mọi người. Chúc cho chúng ta vững vàng trên hành trình đầu tư và hẹn gặp lại trong số tiếp theo của "Mẹo sống sót trên thị trường" (STM)!